TRITAICO

http://tritaico.com


EU, Mỹ liên tiếp cảnh báo, xuất khẩu thuỷ sản vẫn giữ "ngôi vương"

Theo những con số mới nhất từ Bộ NN&PTNT, trong 10 tháng qua, lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản đã đem về 6,73 tỷ USD cho đất nước - đứng đầu trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu lĩnh vực nông nghiệp. Nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 là gỗ và sản phẩm gỗ, tiếp đó là hạt điều, rau quả, cà phê...
Ngư dân Bình Định kiểm tra chất lượng cá ngừ đánh bắt trước khi đưa đi tiêu thụ.

Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản trong tháng 10/2017 ước đạt 2,74 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2017 đạt 29,76 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2016. 

Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản đứng hàng đầu khi giá trị xuất khẩu tháng 10 năm 2017 ước đạt 733 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm 2017 ước đạt 6,73 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2016. 

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017, chiếm 55,3% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 9 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (65,8%), Hà Lan (42,9%), Anh (29,7%), Hàn Quốc (27,7%), Nhật Bản (24,6%), và Canada (22,6%).

Mới đây, Ủy ban châu Âu (EU) đã chính thức “rút thẻ vàng” cảnh cáo đối với hải sản Việt Nam, với lý do những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp đã trở thành một thách thức lớn đối với ngành khai thác và chế biến xuất khẩu (XK) hải sản Việt Nam. 

Sau EU, tháng 3.2018 tới sẽ biết được Mỹ có cấm hay không đối với việc nhập khẩu cá tra Việt Nam. Bởi, đó có thể là thời hạn cuối để Cục thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra quyết định công nhận tương đương cho ngành cá tra Việt Nam.

Cùng với mặt hàng thuỷ sản, ngành hàng rau quả cũng có sự bứt phá mạnh mẽ đáng chú ý trong xuất khẩu. Theo đó, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 10 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,84 tỷ USD, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017 với thị phần lần lượt là 76%, 3,6%, 2,9%, và 2,6%.

Hiện rau quả đang là những mặt hàng có giá trị kim ngạch tăng cao nhất so với cùng kì năm 2016. Ảnh: I.T

Hiện rau quả đang là những mặt hàng có giá trị kim ngạch tăng cao nhất so với cùng kì năm 2016. Ảnh: I.T

Trong 9 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh là Nhật Bản (66,1%), Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (58%), và Trung Quốc (53,1%).

Trong tháng 10, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 430.000 tấn với giá trị đạt 206 triệu USD. Như vậy, khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đạt 5,05 triệu tấn với 2,25 tỷ USD, tăng 22,3% về khối lượng và tăng 21,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng đạt 442,3 USD/tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Tiếp tục tăng mạnh về giá xuất khẩu vẫn là cà phê, điều, cao su. Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su 10 tháng đạt 1,05 triệu tấn với 1,77 tỷ USD, tăng 5,7% về khối lượng và tăng 40,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặt hàng điều cũng đã xuất khẩu 289.000 tấn với 2,87 tỷ USD, giảm 0,4% về khối lượng nhưng tăng 23,1% về giá trị. Với cà phê, dù có giá xuất khẩu tốt (tăng 28,5%), nhưng cà phê đã không tận dụng được cơ hội này khi sản lượng xuất khẩu giảm mạnh (gần 23%). Bởi vậy, kim ngạch xuất khẩu cà phê đã có dấu hiệu giảm (2,5%) so với cùng kỳ năm, đạt 2,69 tỷ USD.

Thiên Hương
Theo Dân Việt
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây